Có một di tích tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội ở Chư Tan Kra
VHO- Cứ mỗi dịp vào ngày 26.3 và 27.7 hằng năm, mảnh đất Ia Xier, huyện Sa Thầy (Kon Tum) lại đón những đoàn khách là cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ từ Hà Nội vào thăm.
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang (đứng giữa) dâng hương tưởng niệm tại di tích lịch sử Chư Tan Kra
Họ đến dâng hương tưởng nhớ những đồng đội, người thân, người con của vùng đất Thủ đô đã hy sinh trong trận chiến ác liệt năm Mậu Thân (1968) tại đồi Chư Tan Kra.
Nơi các anh hùng ngã xuống
Tháng 3.1968, tại đỉnh Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy (Kon Tum), Trung đoàn 209 (tên gọi khác là Trung đoàn mũ sắt), Sư đoàn 312 đã đánh một trận tập kích, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ binh của địch, gây chấn động dư luận Mỹ lúc bấy giờ. Trong trận đánh này, các chàng trai Hà Nội thuộc Trung đoàn mũ sắt đã chiến đấu quả cảm và không ít cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc giao tranh ác liệt với quân Mỹ tại điểm cao 995 - 996.
Đây là trận đánh đầu tiên của đơn vị trên Mặt trận Tây Nguyên, đã tiêu diệt 204 lính Mỹ, nhưng hơn 200 chiến sĩ của ta cũng anh dũng hy sinh. Trong số đó, hầu hết họ đều sinh ra ở Hà Nội, tuổi đời lại còn rất trẻ. Tinh thần chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ Trung đoàn 209 tại Chư Tan Kra tháng 3.1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá quyết chiến, quyết thắng. Với thắng lợi đó, quân ta đã làm suy yếu, đập tan âm mưu của kẻ địch, làm bàn đạp cho các trận đánh quan trọng tiến tới giải phóng Tây Nguyên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất đầy bom đạn Chư Tan Kra năm xưa giờ đã thay da đổi thịt. Tại ngọn đồi Chư Tan Kra, để tưởng nhớ những đồng đội, liệt sĩ, những người con của Hà Nội đã mãi mãi nằm lại nơi đây, năm 2011 Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cùng với sự đóng góp của các cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 209 xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã tham gia chiến đấu tại đỉnh Chư Tan Kra và các dãy núi xung quanh. Công trình có tổng kinh phí gần 33 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 3ha, gồm 3 hạng mục chính: Khu A với quần thể khu tưởng niệm, 2 nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, sân vườn nội bộ, cấp thoát nước, cây xanh, khu nghĩa trang; khu B gồm Nhà văn hóa làm nơi đón tiếp khách thập phương và thân nhân các anh hùng liệt sĩ cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ; hạng mục thứ 3 là hệ thống đường nội bộ nối từ khu A đến khu B dài trên 620m. Công trình được khánh thành vào tháng 7.2012.
Năm 2013, UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định công nhận điểm cao 995- Chư Tan Kra là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Thế hệ trẻ ở huyện Sa Thầy làm tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Vẫn còn đó sự trăn trở của những CCB
Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ia Xier, huyện Sa Thầy cho biết, kể từ khi Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong các trận đánh ở núi Chư Tan Kra được xây dựng và được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, chính quyền địa phương luôn làm tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
“Hằng năm vào các ngày giỗ trận (26.3), ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, các ngày kỷ niệm, lễ, Tết, chính quyền huyện, xã đều tổ chức dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Địa phương luôn xem di tích lịch sử này là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ học sinh. Hằng tháng, các trường học trên địa bàn xã, cũng như các địa phương lân cận tổ chức tham quan, dâng hương tại Khu tưởng niệm”, ông Niệm nói. Cũng theo ông Niệm, chính quyền xã, huyện cũng đã tổ chức trồng cây xanh, trồng các loại cây cảnh bản địa để tạo không gian, cảnh quan xung quanh di tích. Ngoài ra, Nghị quyết Đảng bộ huyện cũng đã thông qua đề án phát triển du lịch tâm linh gắn di tích Chư Tan Kra (điểm cao 995) với hai di tích lịch sử điểm cao 1049 (Delta) và 1015 (Sạc ly).
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Văn Hóa, CCB Hồ Đại Đồng, Trưởng ban liên lạc CCB đi tìm đồng đội Trung đoàn 209 chia sẻ: “Chúng tôi, những CCB Trung đoàn mũ sắt xin ghi nhận tấm lòng của cán bộ, người dân và chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum đã dành cho những đồng đội của chúng tôi, những người đã mãi nằm lại mảnh đất Bắc Tây Nguyên. Việc làm đó đã làm ấm lòng các CCB, thân nhân gia đình liệt sĩ, bởi do cách xa về khoảng cách địa lý, không thể hương khói thường xuyên”. Tâm sự về hành trình đi tìm hài cốt, di vật, di ảnh của đồng đội tại chiến trường xưa Chư Tan Kra, CCB Hồ Đại Đồng bộc bạch, “Trung đoàn mũ sắt 209 chúng tôi khi rời Hà Nội vào các chiến trường khoảng 2.500 đồng chí, tuy nhiên sau giải phóng, số người trở về chỉ còn vài trăm, khoảng 70% đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Nhiều năm qua chúng tôi đã tổ chức đi tìm và rất may được sự giúp đỡ từ các nguồn thông tin từ phía bạn, nguồn thông tin từ trích lục liệt sĩ của Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) và cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, từ năm 2009 đến nay tại núi Chư Tan Kra đã tìm được khoảng 170 hài cốt liệt sĩ”.
“Chúng tôi không sợ không đủ sức, không sợ tốn kém tiền của để đi tìm di cốt, di vật của đồng đội, mà chỉ sợ sau tất cả những nỗ lực tìm kiếm của chúng tôi, vẫn không thể đưa hết được các đồng đội trở về để quy tập vào khu tưởng niệm. Đó là nỗi trăn trở, là áp lực của chúng tôi. Bởi hơn 53 năm đã trôi qua, hài cốt liệt sĩ giờ hầu như không còn, mà chỉ còn những di vật gắn liền với người chiến sĩ như các vật dụng mang theo trên người. Tuy nhiên, những di vật đó không đủ điều kiện để cơ quan chức năng xác định là liệt sĩ”, CCB Hồ Đại Đồng ngậm ngùi bày tỏ.
NGỌC HÒA